Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

11 lễ hội mùa đông Nhật Bản đặc sắc nên tham dự ít nhất 1 lần

0

Cập nhật vào 12/01

Mùa đông tại Nhật Bản bắt đầu từ đầu tháng 12, và kết thúc vào cuối tháng 2 hàng năm. Có rất nhiều lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian này trên cả nước.

Ngay sau khi kết thúc chuỗi những lễ hội mùa thu tại Nhật, người dân khắp đất nước này lại bước vào sự chuẩn bị mới cho các lễ hội mùa đông. Mỗi lễ hội đều có những nét đặc sắc, mang ý nghĩa của riêng nó. Ví dụ như: Lễ hội núi Wakayama, Lễ hội tuyết Sapporo, lễ hội tuyết Kamakura, lễ hội Hakada…

Dưới đây là một số lễ hội mùa đông đặc sắc của Nhật Bản bạn không nên bỏ qua

  1. Lễ hội Nhật Bản tháng 12
    1.1. Lễ hội Kasuga Wakamiya On-Matsuri
    1.2. Lễ hội Hagoita-Ichi
    1.3. Lễ hội Namahage
  2. Lễ hội Nhật Bản tháng 1
    2.1. Tết năm mới
    2.2. Lễ hội Dezomeshiki
    2.3. Lễ hội lửa Oniyo
    2.4. Lễ hội Nozawa
    2.5. Lễ hội đốt núi Wakakusa Yamayaki
  3. Lễ hội Nhật Bản tháng 2
    3.1. Lễ hội Setsubun
    3.2. Lễ hội tuyết Sapporo
    3.3. Lễ hội tuyết Kamakura
    3.4. Lễ hội Hakada

1. Những lễ hội Nhật Bản đặc sắc nhất trong tháng 12

Trong tháng 12, trên khắp đất nước Nhật Bản có rất nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức. Dưới đây là một số lễ hội đặc sắc để bạn tham khảo.

1.1. Lễ hội Kasuga Wakamiya On-Matsuri

Lễ hội diễn ra từ ngày 15 đến 18 tháng 12 hàng năm tại Đền Kasuga, tỉnh Naga. Trong đó, lễ chính diễn ra vào ngày 17/12. Còn được gọi là “Lễ hội lớn của Đền Kasuga Wakamiya”. Lễ hội được tổ chức lần đầu vào năm 1136, để cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu và không chịu bệnh dịch.

Lễ hội Kasuga Wakamiya On-Matsuri

Lễ hội Kasuga Wakamiya On-Matsuri

Điểm nổi bật của lễ hội đó là Hon-Matsuri (Nghi lễ Owatari Shiki) bắt đầu diễn ra vào trưa ngày 17. Khoảng 500 tình nguyện viên sẽ hóa trang thành linh mục, chiến binh samurai, lãnh chúa, người dân thường theo các triều đại từ thế kỷ 9 (Thời kỳ Heian) đến thế kỷ 19 (Thời kỳ Edo). Họ tạo thành đám rước và diễu hành từ văn phòng quận Naga, điểm đến là otabisho (gần lối vào Đền thờ Kasuga). Tiếp đó, các màn trình diễn của lễ hội Otabisho được bắt đầu. Những điệu nhảy dân gian truyền thống sử dụng các bó lúa trang trí với nhiều màu sắc để cảm ơn các vị thần – (tượng trưng bởi các bức tượng được thờ phụng ở đền Kasuga được rước ra nơi tổ chức lễ hội).

Vào khoảng 23:00, nghi thức Kanko no Gi diễn ra, đây là quá trình tiễn đưa các vị thần trở về sảnh chính của đền thờ, quá trình này phải kết thúc trước nửa đêm. Việc chụp ảnh và các loại ánh sáng bị cấm trong nghi lễ này.

Các loại âm nhạc dân tộc truyền thống của Nhật cũng được sử dụng xuyên suốt quá trình diễn ra lễ hội như: Kagura (nhạc Shinto và khiêu vũ), Dengaku (nhạc trường), Bugaku (nhạc cung đình và điệu nhảy thanh lịch) và Sarugaku (tiền thân của kịch noh)

1.2. Lễ hội Hagoita-Ichi

Lễ hội diễn ra tại chùa Asakura Kannon (còn gọi là Đền Senso-ji) từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 12 hàng năm. Đây là một lễ hội truyền thống bắt nguồn từ phong tục tặng Hagoita cho các cô gái diễn ra vào thế kỷ 17(Thời kỳ Edo). Hagoita được quan niệm như một tấm ván dùng để đẩy lùi tà ác.

Lễ hội Hagoita Ichi

Lễ hội Hagoita Ichi

Ban đầu, Hagoita được tặng cho các cô gái thường được dùng để chơi Hanetsuki (môn đánh cầu của Nhật Bản). Nhưng hiện nay, Hagoita thường được sử dụng để trang trí cho dịp đầu năm là chính. Chúng được vẽ bằng sơn mài với các biểu tượng mang ý nghĩa tốt lành, hoặc được trang trí bằng các ảnh lụa ghép phức tạp.

Mặc dù việc chơi Hanetsuki hiện nay không còn phổ biến nữa. Nhưng việc chế tác Hagoita vẫn phát triển khá rộng rãi ở Nhật. Việc chế tác hình ảnh trên Hagoita hiện nay khá đa dạng, đó có thể là những hình ảnh truyền thống như geisha, samurai, các vị thần (kami)  và cảnh thiên nhiên; hay được trang trí theo phong cách hiện đại: các ngôi sao nhạc pop, ngôi sao điện ảnh và những người nổi tiếng khác.

1.3. Lễ hội Namahage

Lễ hội diễn ra vào ngày 31/12 hàng năm tại Peninsula, tỉnh Akita.

Vào đêm giao thừa 31/12, một nhóm người trong làng được cải trang thành một vị thần kỳ lạ có tên gọi Namahage. Họ sẽ đi dạo trong làng, đến thăm các gia đình, kết hợp cùng các điệu múa kỳ lạ và tiếng kêu lạ lùng.

Lễ hội Namahage của Nhật Bản

Lễ hội Namahage của Nhật Bản

Namahage là tên của vị thần kỳ lạ giống một con quỷ, đeo mặt nạ lớn, áo mưa rơm và thắt lưng, cầm dao và củi gỗ, được gọi là Oni.

Trong quá trình đi dạo quanh làng, những đám quỷ Namahage phát ra những câu nói như: “Những đứa trẻ nào hay khóc?”, “Những đứa trẻ nào không nghe lời cha mẹ?”, hoặc “Những nàng dâu lười biếng”. Quỷ thường đe dọa sẽ kéo những người vi phạm vào núi tuyết nơi xa xôi.

Khi đến thăm các ngôi nhà, họ thường được gia chủ hiến cho những chiếc bánh và rượu sake, và bảo đảm với Namahage rằng tất cả những đứa trẻ (hay cô dâu mới) trong nhà đều ngoan.

2. Những lễ hội Nhật Bản đặc sắc của tháng 1

Trong tháng đầu năm mới, chúng ta cùng tìm hiểu về một số lễ hội sau của Nhật Bản.

2.1. Tết năm mới

Nhật Bản đón tết năm mới vào ngày 1/1 hàng năm giống các nước phương Tây.

Trước đây, người dân Nhật Bản cũng đón năm mới theo lịch âm giống như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhưng từ năm 1873, năm sau khi Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản đã thông qua lịch Gregorian và ngày đầu tiên của tháng đã chính thức trở thành ngày văn hóa năm mới ở Nhật Bản.

Lễ năm mới tại Nhật Bản

Lễ năm mới tại Nhật Bản

Hàng năm, vào thời điểm giao thừa, các đền chùa khắp Nhật Bản sẽ đổ chuông Bonsho đủ 108 lần, sự kiện này được gọi là Joya no Kane.

Cũng trong khoảnh khắc giao thừa này, các gia đình sẽ tổ chức ăn Toshikoshi Soba – một món mì truyền thống của người Nhật.

Vào sáng ngày 1/1, các gia đình Nhật sẽ ăn O-Sechi Ryori đón năm mới. Đây là phong tục có ý nghĩa cầu chúc may mắn, thịnh vượng và sức khỏe cho gia đình trong suốt một năm.

Một món ăn truyền thống từ lâu đời không thể thiếu của người Nhật trong dịp năm mới đó là món bánh dẻo Mochi. Những chiếc bánh tròn ngọt ngào này thậm chí còn được sử dụng để trang trí (bánh kagami mochi) hay là làm quà tặng cho nhau.

Một phong tục truyền thống khác của người Nhật vào dịp năm mới đó là gửi thiệp Nenga chào năm mới. Những tấm thiệp Nenga này sẽ được gửi cho bạn bè, người thân và gia đình của mỗi người.

2.2. Lễ hội Dezomeshiki

Lễ hội diễn ra vào ngày 6/1 hàng năm, thực chất của lễ hội là buổi lễ diễu binh của lực lượng lính cứu hỏa diễn ra ở Tokyo Big Sight, Tokyo, Nhật Bản. Sự kiện này được tổ chức để nhắc nhở và cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của hỏa hoạn, đồng thời cũng cầu nguyện cho một năm mới an toàn.

Lễ hội Dezomeshiki tại Tokyo

Lễ hội Dezomeshiki tại Tokyo

Lễ hội Dezome-shiki bắt nguồn từ thời Edo – khoảng thời gian xảy ra rất nhiều vụ hỏa hoạn lớn thiêu rụi nhiều con phố Edo bấy giờ. Sau vụ hỏa hoạn rất lớn vào năm 1657, đội cứu hỏa Jobikehi được thành lập để bảo vệ thành phố và các địa điểm chiến lược như Lâu đài Edo. Để nhắc nhở người dân cẩn trọng với lửa, họ đã tổ chức một lễ hội vào đầu năm và trình diễn các kỹ năng ngoạn mục của mình.

Điểm thu hút của lễ hội Dezome-shiki ngày nay đó là các pha leo bậc thang nguy hiểm và nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. Thang là một dụng cụ chữa cháy không thể thiều tại thời Edo, được các lính cứu hỏa sử dụng để nhanh chóng leo lên các mái nhà, ngăn cho đám cháy lan rộng sang khu vực khác.

2.3. Lễ hội lửa Oniyo

Lễ hội diễn ra vào ngày 7 tháng 1 hàng năm tại đền Tamataregu Daizen-ji, thành phố Kurume, Fukuoka.

Với lịch sử hơn 1900 năm, Oniyo Fire Festival là 1 trong 3 lễ hội lửa lớn nhất ở Nhật Bản. Hoạt động chính của lễ hội là nghi lễ Shinto được thực hiện để xua đuổi linh hồn ma quỷ. Đây cũng là một sự kiện mà người tham gia cầu nguyện cho một mùa thu hoạch tốt, và sự an toàn cho gia đình họ.

Lễ hội lửa Oniyo tại đền Tamategeru Daizen-ji

Lễ hội lửa Oniyo tại đền Tamategeru Daizen-ji

Điểm nổi bật trong lễ hội này đó là nghi thức Taimatsu-mawashi, khoảng 300 người đàn ông chỉ mặc duy nhất 1 chiếc khố, họ di chuyển quanh 6 ngọn đuốc khổng lồ O-taimatsu (松明) dài 15m nặng khoảng 1200kg.

Trước khi lễ hội diễn ra, họ sưởi ấm bằng cách đứng chung quanh những đống lửa lớn được đốt lên. Những chiếc đèn lồng chứa ngọn lửa thiêng sử dụng cho lễ hội sẽ luôn được nâng lên cao.

Khoảng 21:00, các ngọn đuốc khổng lồ sẽ được thắp sáng bằng ngọn lửa thiêng, cùng với đó là các linh mục thần đạo sẽ tụng kinh để thực hiện nghi lễ.

Tiếp đó các ngọn đuốc khổng lồ sẽ được những người đàn ông tham gia lễ hội sử dụng các cột gỗ dài 3m di chuyển xung quanh ngôi đền Tamataregu. Trong quá trình di chuyển, họ sẽ đi qua sông Arai, vùng nước linh thiêng theo quan niệm của người dân bản địa.

Trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, tiếng trống Nhật Bản sẽ luôn được sử dụng, tăng thêm sự hấp dẫn cho không khí lễ hội.

Lễ hội lửa Oniyo là một di sản văn hóa dân gian phi vật thể cấp quốc gia của Nhật Bản.

2.4. Lễ hội lửa Nozawa

Là 1 trong 3 lễ hội lửa lớn nhất Nhật Bản. Diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 1 hàng năm, tại đền Kosuge, tỉnh Nagano. Ý nghĩa của lễ hội là cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, cầu mong sức khỏe và may mắn trong năm mới.

Nozawa Fire Festival bắt đầu được tổ chức từ năm 1863, và kéo dài cho tới ngày nay, mặc dù địa điểm tổ chức lễ hội đã thay đổi so với ban đầu, nhưng ý nghĩa của lễ hội vẫn được giữ nguyên.

Lễ hội lửa Nozawa tại đền Kosuge

Lễ hội lửa Nozawa tại đền Kosuge

Điểm nổi bật của lễ hội đó là việc những người đàn ông 25 tuổi và 40 tuổi sẽ xây dựng một đền thờ (Shaden) từ gỗ sồi. Những cây gỗ này được đốn hạ từ tháng 10 từ ngọn núi gần đó, và đưa vào làng vào ngày 13/1. Tiếp đó, đền thờ sẽ được dựng lên.

Vào tối 15/1, ngày chính thức của lễ hội lửa Nozawa, một nhóm đàn ông (thuộc mọi lứa tuổi) tượng trưng cho người dân làng sẽ mang theo các ngọn đuốc cố gắng tấn công vào Shaden nhằm thắp sáng cho ngôi đền. Họ sẽ bị ngăn cản bởi một nhóm đàn ông 25 tuổi trong vai trò là lính canh quanh đền.

Cuộc chiến sẽ kéo dài trong khoảng 1 tiếng, cuối cùng, người đàn ông 42 tuổi đứng trên đỉnh Shaden sẽ châm lửa vào ngôi đền để dâng lên các vị thần.

2.5. Lễ hội đốt núi Wakakusa Yamayaki

Còn được gọi với tên khác là lễ hội đốt cỏ. Diễn ra vào ngày thứ 7 của tuần thứ 4 tháng 1 hàng năm do 3 ngôi đền đồng tổ chức: Todai – ji, Kofuku – ji và Kasuga. Có thể nói đây là một trong những lễ hội kỳ hoặc nhất của Nhật Bản. Lịch sử lễ hội này đã kéo dài khoảng 260 năm.

Lễ hội đốt núi Wakakusa Yamayaki

Lễ hội đốt núi Wakakusa Yamayaki

Nguồn gốc của lễ hội đến nay vẫn là một câu đố với các nhà sử học nước Nhật:

  • Theo sử sách ghi lại, vào năm 1255, núi Wakakusa (gồm 2 núi Katsura và Katsuo) khi đó còn được gọi là núi Tsuzura được các tăng lữ chùa Todai cho rằng thuộc địa phận quản lý của mình, nên đã xây dựng đền chùa trên đỉnh núi. Nhưng các tăng lữ chùa Kofuku lại quả quyết rằng vùng đất quản lý của họ bị lấn chiếm. Cuộc tranh chấp vùng đất này của 2 chùa diễn ra rất lâu, và mỗi khi trên núi có đốt lửa là cuộc giao tranh giữa 2 bên.
  • Theo sự tích dân gian kể lại. Do trên ngọn núi thứ 3 của Wakakusa có ngôi mộ cổ Uguisuzuka Kofun thường hay xuất hiện quái ngưu quấy nhiễu dân làng. Từ đó người dân tổ chức đốt núi vào đầu năm để xua đuổi tà ma, cầu mong đời sống an lành. Nhưng những lần đốt lửa đó cháy lan tới khu vực lân cận chùa Todai và Kofuku. Để tránh việc đốt núi gây hậu quả nghiêm trọng, quan tòa Nara khi đó đã ban hành luật cho phép người dân tổ chức đốt núi đầu năm dưới sự giám sát của chùa Todai, chùa Kofuku và quan tòa Nara.

3. Những lễ hội Nhật Bản đặc sắc của tháng 2

Trong tháng 2, có nhiều lễ hội rất đặc sắc diễn ra tại nhiều địa điểm ở Nhật Bản thu hút đông du khách trong nước và thế giới tham gia.

3.1. Lễ hội Setsubun

Còn được gọi với tên “Lễ hội ném đậu”.

Được tổ chức vào ngày 3 hoặc 4 tháng 2 hàng năm tại nhiều đền chùa khắp đất nước Nhật Bản, mặc dù đây không phải là một ngày Quốc lễ.

Lễ hội ném đậu Setsubun diễn ra khắp nước Nhật

Lễ hội ném đậu Setsubun diễn ra khắp nước Nhật

Vào ngày này, người dân Nhật Bản thường rắc đậu để xua đuổi tà ma, được gọi là nghi lễ Mamemaki (豆撒き). Nghi lễ này được thực hiện bởi người đàn ông có tuổi hợp với năm đó (tính theo 12 con giáp), hoặc trưởng nam của gia đình.

Đậu nành nướng được rắc trong ngày lễ được cho là sẽ thanh tẩy ngôi nhà bằng cách đánh đuổi những linh hồn xấu mang vận xui ra khỏi nhà.

3.2. Lễ hội tuyết Sapporo

Đây là lễ hội mùa đông Nhật Bản lớn nhất, thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến tham dự. Có thể nói, lễ hội tuyết Sapporo là một trong những lễ hội tuyết nổi tiếng và lớn nhất thế giới.

Lễ hội diễn ra tại thủ phủ Sapporo trong tuần lễ đầu tiên của tháng 2, thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế tham dự. Rất nhiều quốc gia trên thế giới (mặc dù không có tuyết như Malaysia, Singapro, Phillipin…) đều đến lễ hội tuyết Sapporo để điêu khắc lên tác phẩm băng của mình.

Lễ hội băng tuyết Sapporo

Lễ hội băng tuyết Sapporo nổi tiếng của Nhật

Hiện nay, việc tổ chức lễ hội băng tuyết Sapporo được chia làm 3 khu vực chính: Công viên Odori (nơi trưng bày các kiến trúc bằng băng có kích thước lớn), Susukino Site (nơi trưng bày những tác phẩm điêu khắc băng có kích thước nhỏ), và Tsu Dome Site (một khu phức hợp các trò chơi được tạo từ băng tuyết).

Bạn có thể tham khảo thêm về lễ hội băng tuyết Sapporo để thấy được sự thú vị của lễ hội này.

3.3. Lễ hội tuyết Kamakura

Lễ hội diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng 2 hàng năm, tại Yokote, tỉnh Akita. Đây là một lễ hội có lịch sử khoảng 450 năm.

Lễ hội tuyết Kamakura tại Yokote

Lễ hội tuyết Kamakura tại Yokote

Điểm đặc sắc của lễ hội Kamakura: Vào ngày diễn ra lễ hội, có hàng trăm ngôi nhà tuyết Kamakura được xây dựng khắp thành phố. Trong mỗi Kamakura sẽ có một bàn thờ thần nước, một lò than để sưởi ấm và nướng bánh gạo.

Vào khoảng 18:00 đến 21:00, trẻ em sẽ mời những du khách tham dự lễ hội vào Kamakura của họ, tại đây du khách sẽ được mời thưởng thức bánh gạo và amazake (một loại rượu gạo ngọt có nồng độ cồn rất thấp). Đổi lại, du khách sẽ cúng vị thần nước mà gia chủ đang thờ phụng.

Ngày nay, việc tạo hình các ngôi nhà tuyết Kamakura cũng được người dân tạo hình với nhiều phong cách khác nhau, tạo nên không khí sôi động cho lễ hội.

3.4. Lễ hội khỏa thân Hakada

Trong thời tiết giá rét của những ngày tháng 2 tại Nhật, những người đàn ông mặc duy nhất một chiếc khố fundoshi màu trắng, và đi một đôi tất tabi. Họ là những người sẽ tham gia lễ hội khỏa thân nổi tiếng của Nhật có tên Hakada. Lễ hội này có lịch sử khoảng 500 năm.

Lễ hội khỏa thân Hakada kỳ lạ của Nhật

Lễ hội khỏa thân Hakada kỳ lạ của Nhật

Họ sẽ tranh nhau cặp bùa que may mắn (Shingi) có kích thước dài 20cm, rộng 4cm, do một tu sĩ thần đạo ném xuống. Theo phong tục của người Nhật, ai là người thành công sở hữu bùa này lâu nhất và bỏ Shingi vào hộp masu sẽ được hưởng may mắn suốt 12 tháng của năm. Những người tham gia khác không sở hữu Shingi sẽ cố gắng chạm vào người sở hữu để mong may mắn được lan tỏa.

Trước khi tham gia lễ hội, những người tham gia lễ hội sẽ phải lội qua một bể nước lạnh để rửa sạch cơ thể.

Lễ hội diễn ra vào ngày thứ 7 thứ 3 của tháng 2 tại chùa Saidaiji, tỉnh Okayama.

Theo thống kê của ban tổ chức lễ hội, năm 2018, lễ hội thu hút hơn 9.000 người đàn ông tham dự, trong đó có cả đàn ông Nhật, và du khách quốc tế.

Trên đây là một số lễ hội mùa đông tại Nhật được nozomi.edu.vn đánh giá là đặc sắc nhất. Chúc bạn có thể chọn được lễ hội thích hợp cho lựa chọn của mình.

5/5 - (2 votes)
Share.

Comments are closed.